truong long

Ý NGHĨA BÁNH TRUNG THU

01/08/2016

Vào ngày Rằm tháng 8, người ta thường tặng nhau những chiếc bánh trung thu với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn, chính bởi điều này mà chiếc bánh là món ăn, món quà có giá trị tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu. Ở Việt Nam gồm hai loại bánh là bánh dẻo và bánh nướng.
Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn - mang sắc thái của đất nước Việt Nam. Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa “đoàn viên gia đình” và nhất là tình yêu khăng khít giữa vợ chồng với nhau.


Bánh nướng gồm hai phần: vỏ bánh và thân bánh. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân có thể được làm bằng đậu xanh, khoai môn hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy lòng đỏ trứng muối có mùi vani hay sầu riêng; nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao... Hình tròn trong nhân là biểu hiện của sự tròn đầy, viên mãn. Vị mặn của trứng muối bị vị ngọt của những nguyên liệu khác trung hòa, điều này gợi cho ta đến một liên tưởng: trong cuộc sống, dù thường ngày có nếm trải qua bao nhiêu đắng cay khổ sở thì vẫn có những người thân luôn bên ta, bao bọc chở che ta và trao cho ta vị ngọt của tình thương của cuộc sống. Cũng giống như chiếc bánh trung thu, trong mặn có ngọt, tạo nên hương vị đậm đà của cuộc sống.
Dù đi đâu về đâu, nhưng đến Tết Trung thu, mọi người thường háo hức, cố gắng sắp xếp công việc để có thể về đoàn tụ cùng gia đình, trao cho nhau những hộp bánh ngọt ngào, mang đậm hương vị quê hương và ý nghĩa của cuộc sống.
 

Các tin bài khác